C.Mác đã dành trọn cuộc đời mình để đấu tranh vì hạnh phúc cho mọi người. (Nguồn: tuyengiao.vn)
Ngày 5/5/1818, tại thành phố Trier của nước Ðức, nhà tư tưởng vĩ đại của nhân loại - Các Mác đã ra đời. Không chỉ là người sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản khoa học, chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử, C.Mác còn là vị lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản và nhân dân lao động toàn thế giới.
Cả cuộc đời và sự nghiệp của C.Mác là minh chứng cho tư tưởng Hạnh phúc là đấu tranh của ông. Ðến nay, tư tưởng ấy vẫn còn nguyên giá trị và ý nghĩa đối với nhân loại, đồng thời tiếp tục soi sáng con đường cách mạng Việt Nam trong tình hình mới.
Xuyên suốt cuộc đời của C.Mác là sự đấu tranh không ngừng để tìm hạnh phúc cho mọi người. Sinh ra trong một gia đình trung lưu, với cha là luật sư, bản thân ông học chuyên ngành luật, triết học và từng là chủ bút báo Rê-na-ri, C.Mác hoàn toàn có thể lựa chọn con đường đi bằng phẳng với cuộc sống an nhàn. Nhưng ông sống không chỉ vì hạnh phúc của cá nhân mà đã lấy con người làm trung tâm, đấu tranh không mệt mỏi vì hạnh phúc cho tất cả mọi người.
Ngay từ thời còn trẻ, trong bài luận tốt nghiệp trung học, ông đã bày tỏ quan điểm “Người nào đem lại hạnh phúc cho nhiều người nhất thì đó là người hạnh phúc nhất”, và “Nếu ta đã chọn một nghề mà qua đó ta có thể cống hiến nhiều nhất cho nhân loại, thì ta sẽ không cảm thấy gánh nặng của nghề ấy, bởi vì đó chính là sự hy sinh vì mọi người… khi đó… hạnh phúc của ta sẽ thuộc về hàng triệu người”(1). Với ông, đó là “cuộc sống có ích” và sẽ được mọi người trân trọng. Tuy nhiên, hạnh phúc không phải tự nhiên mà có, để có được hạnh phúc thì phải đấu tranh để giành lấy. Và C.Mác đã dành trọn cuộc đời mình để đấu tranh vì hạnh phúc cho mọi người, cho quảng đại quần chúng cần lao.
Ở đây, đấu tranh mang ý nghĩa rộng lớn. Trước hết, để có được hạnh phúc, con người cần có tự do, mà để có tự do con người cần phải đấu tranh chống lại sự áp bức, bóc lột để giải phóng mình. Mang trong mình chủ nghĩa nhân đạo cao cả, với lòng trắc ẩn và những trăn trở, ưu tư, cảm thông đối với những người lao động, những người cùng cực trong xã hội, C.Mác quan niệm: hạnh phúc chính là sự tự do, là được làm chủ chính mình, được quyết định vận mệnh của mình, thoát khỏi xiềng xích nô lệ và mọi sự áp bức, bất công.
Do đó, mọi hoạt động lý luận và thực tiễn của ông đều vì mục tiêu mưu cầu sự tự do, hạnh phúc cho giai cấp vô sản trên toàn thế giới. Ông đứng về phe những người lao động nghèo khổ, giai cấp vô sản, đại diện cho họ, tìm cho họ con đường đấu tranh để giải phóng mình. Với khẩu hiệu “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!”(2), C.Mác cùng với Ph.Ăngghen đã liên hiệp, đoàn kết những người cùng khổ trên toàn thế giới đấu tranh để mưu cầu tự do, hạnh phúc, chống lại mọi sự áp bức, bóc lột, bất công, giải phóng giai cấp, giải phóng nhân loại và giải phóng con người…
Ðể tìm được tự do và hạnh phúc cho toàn nhân loại, nhất là với giai cấp vô sản và những người lao động cùng khổ sống dưới đáy xã hội, C.Mác cùng với người bạn vĩ đại Ph.Ăngghen đã tìm ra căn nguyên mọi sự khổ đau của con người, đó là nạn áp bức giai cấp, là chế độ người bóc lột người, là sự bóc lột của giai cấp thống trị đối với giai cấp bị trị trong chủ nghĩa tư bản. Từ đó các ông đã đấu tranh không ngừng chống lại giai cấp tư sản, chế độ tư hữu. Không chỉ dùng ngòi bút để luận chiến, C.Mác còn là lãnh tụ các phong trào cách mạng của giai cấp công nhân.
Với việc tìm ra bản chất của chủ nghĩa tư bản, chỉ rõ sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản và sự thắng lợi tất yếu của chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới, C.Mác và Ph.Ăngghen đã sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản khoa học. Ðể bảo vệ lý tưởng cộng sản, bảo vệ học thuyết chân chính, cách mạng duy nhất giúp con người thoát khỏi mọi sự áp bức bất công, C.Mác đã đấu tranh không mệt mỏi với mọi kẻ thù của giai cấp vô sản, với học thuyết của giai cấp tư sản, và chủ nghĩa cơ hội, xét lại trong phong trào công nhân, với các trào lưu tư tưởng tư sản…
Ông đã viết hàng trăm tác phẩm khác nhau, thực hiện nhiều công trình nghiên cứu để xây dựng và bảo vệ học thuyết khoa học, cách mạng của mình, bảo vệ chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử; đấu tranh với những tư tưởng cũ kỹ, trì trệ, lạc hậu, bảo thủ để tìm ra cái mới, cái văn minh, vì sự tiến bộ của xã hội loài người. Ông đã miệt mài làm việc, miệt mài đấu tranh cho đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời.
Tư tưởng Hạnh phúc là đấu tranh của C.Mác không chỉ được chứng minh bằng cả cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của ông, mà còn được thực tiễn lịch sử nhân loại cũng như lịch sử Việt Nam kiểm nghiệm tính đúng đắn của nó.
Ở Việt Nam, lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc đã chứng minh tư tưởng Hạnh phúc là đấu tranh của C.Mác là chân lý. Có một câu nói rất hay về lịch sử dân tộc Việt Nam rằng, “Việt Nam đất nước 4.000 năm lịch sử, có thế kỷ nào ngừng ngọn lửa đấu tranh?”. Trong suốt hàng nghìn năm lịch sử, con người Việt Nam đã không ngừng đấu tranh không chỉ với thiên tai để sinh tồn, để có cuộc sống tốt đẹp hơn; mà còn đấu tranh với địch họa để bảo vệ bờ cõi, bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền lãnh thổ, để thoát khỏi ách đô hộ, xâm lược và sự đồng hóa của ngoại bang.
Người Việt Nam tâm niệm rằng, “nước mất thì nhà tan”, sống trong cảnh đô hộ, bị xâm lược, đồng hóa thì người dân cũng không thể có được tự do, hạnh phúc. Ý chí, khát vọng độc lập, tự chủ, tự cường cho dân tộc luôn đồng hành với khát vọng tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Do đó, mỗi khi có giặc ngoại xâm, người Việt Nam lại anh dũng đứng lên đấu tranh, đánh tan bè lũ xâm lăng, giành độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, và sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta càng nhận thức sâu sắc hơn giá trị của độc lập, tự cường, chỉ có “tự lực cánh sinh”, “dựa vào sức mình” thì mới đem lại tự do, hạnh phúc thực sự cho chính mình. Vì vậy, chúng ta tiếp tục đấu tranh chống lại sự đô hộ, xâm lược của thực dân, đế quốc, cũng như chống lại sự lệ thuộc về kinh tế, chính trị, quân sự từ bất cứ quốc gia nào.
Sự thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, của Ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước 30/4/1975 và giữ vững chủ quyền biên giới, hải đảo của Việt Nam cho đến ngày hôm nay chính là sự nỗ lực đấu tranh không ngừng của toàn thể dân tộc Việt Nam vì tự do, ấm no, hạnh phúc và cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Trong thời kỳ đổi mới hiện nay, chúng ta vẫn cần tiếp tục công cuộc đấu tranh với nhiều kẻ thù trên nhiều mặt trận khác nhau. Ðó không chỉ còn là cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc bằng hình thức vũ trang như trước đây, mà còn là cuộc đấu tranh trên mặt trận kinh tế, đấu tranh trên không gian mạng, đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, lý luận,… Như trên mặt trận kinh tế, chúng ta cần tiếp tục đấu tranh chống lại sự nghèo nàn, lạc hậu, chống lại mọi sự phá hoại về mặt kinh tế của các thế lực thù địch; có các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gắn tăng trưởng kinh tế với bảo đảm bình đẳng công bằng xã hội và an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, tiếp tục nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Về mặt chính trị, phải kiên quyết đấu tranh giữ vững ổn định chính trị, giữ vững sự đoàn kết, nhất trí trong Ðảng, và tinh thần đoàn kết toàn dân; bảo đảm vai trò lãnh đạo của Ðảng và định hướng XHCN, có những giải pháp để đấu tranh bảo vệ Ðảng, bảo vệ Nhà nước và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; đấu tranh với bất cứ kẻ thù nào có âm mưu và hành động chống phá Ðảng, Nhà nước, xâm phạm độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Về mặt tư tưởng, văn hóa, lý luận, chúng ta phải quyết liệt đấu tranh phản bác, chống lại những quan điểm, luận điệu thù địch, sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng; đấu tranh với những biểu hiện lai căng, phản văn hóa, đi ngược với giá trị văn hóa dân tộc; đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, lãng phí, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Ðảng và trong mỗi cán bộ, đảng viên… Ở Việt Nam, việc tiếp tục đấu tranh chống lại bốn nguy cơ được Ðại hội XIII của Ðảng chỉ ra nhằm mục tiêu xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh, người dân được tự do, hạnh phúc cũng chính là sự kế thừa tư tưởng Hạnh phúc là đấu tranh của C.Mác trong tình hình mới.
Có thể thấy, Hạnh phúc là đấu tranh là tư tưởng cơ bản xuyên suốt cuộc đời và sự nghiệp của C.Mác. Tư tưởng Hạnh phúc là đấu tranh của ông không chỉ là chân lý của lịch sử nhân loại, mà còn là bài học quý cho con đường cách mạng Việt Nam đã qua, hôm nay và cả mai sau.
Tiến sĩ NGÔ THỊ NỤ (Viện Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)
----------------------------
(1) C.Mác tiểu sử, Nxb Sự thật, H.1977, tr.15-18.
(2) C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, Nxb CTQG, H.1997, t.4, tr.646.
Ngày 01 tháng 4 năm 2024, căn cứ Nghị quyết của Hội đồng trường Trường ĐHSP Hà Nội 2, Khoa Tâm lý - Giáo dục được thành
10/04/2024