Năm nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của đồng chí Lê Hồng Phong - Tổng Bí thư Đảng ta, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam, người chiến sĩ kiên cường của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Đây là dịp để chúng ta tưởng nhớ và thành kính tri ân sự đóng góp to lớn của đồng chí Lê Hồng Phong đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; qua đó xây dựng, bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, tích cực hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, nhất là các nghị quyết về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Trong thời gian Lê Hồng Phong đi học tập, đào tạo ở Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc vẫn thường xuyên giữ liên lạc, theo dõi và hướng dẫn. Trong bức thư Nguyễn Ái Quốc gửi Lê Hồng Phong ngày 2-3-1930, Người thân mật gọi: “Gửi Hồng Phong Lão”, để thông báo về sự kiện ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam và khẳng định: “Trong nước bây giờ đã có Đảng thống nhất vững vàng, không còn những tệ chia lìa ấu trĩ như trước nữa”. Điều đó thể hiện sự quan tâm đặc biệt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đối với Lê Hồng Phong. Và Lê Hồng Phong đã không phụ lòng của Người thầy dẫn dắt, đồng chí đã từng bước trưởng thành cả về nhận thức lý luận và năng lực lãnh đạo. Từ thực tiễn hoạt động và những đóng góp to lớn trong việc khôi phục và phát triển phong trào cách mạng Việt Nam những năm 1932-1935, đồng chí được mời tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản và được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản.
Với cách mạng Việt Nam, sau cao trào Xô viết Nghệ-Tĩnh (1930-1931), thực dân Pháp tiến hành khủng bố trắng, hòng tiêu diệt phong trào cách mạng nước ta mà trước hết là nhằm vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Đây là thời kỳ cam go nhất của Đảng ta sau khi thành lập. Trước sự khủng bố khốc liệt của kẻ thù và những tổn thất về tổ chức, về cán bộ của Đảng, đã nảy sinh những vấn đề tư tưởng trong Đảng và trong quần chúng cách mạng. Đảng ta vừa ra đời, bộ máy tổ chức mới hình thành thì những tổn thất trên đây rất nặng nề. Do vậy, để khôi phục Đảng, không chỉ là vấn đề tổ chức, tư tưởng, mà còn cả chiến lược, sách lược, phương pháp cách mạng do sự biến chuyển mới và nhanh chóng của tình hình, nhiệm vụ cách mạng. Trước tình hình cực kỳ khó khăn đó, Lê Hồng Phong đã lãnh trách nhiệm trước Quốc tế Cộng sản trở về lãnh đạo khôi phục Đảng và phong trào cách mạng ở Việt Nam. Từ năm 1932, cùng với nhiệm vụ khôi phục tổ chức của Đảng và phong trào cách mạng trong nước, để thống nhất tư tưởng và phương pháp cách mạng trong điều kiện mới, Lê Hồng Phong đã tích cực, chủ động tuyên truyền Chương trình hành động của Đảng Cộng sản Đông Dương-một văn kiện có tính chất như một cương lĩnh mà đồng chí đã tham gia soạn thảo. Đây là một đóng góp to lớn của đồng chí Lê Hồng Phong đối với cách mạng giai đoạn bấy giờ.
Tháng 6-1934, đồng chí Lê Hồng Phong tổ chức Hội nghị cán bộ của Đảng ở Ma Cao (Trung Quốc) và thành lập Ban lãnh đạo hải ngoại của Đảng để tổ chức lại các cơ sở đảng và chuẩn bị những điều kiện cho việc triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng. Và từ ngày 27 đến 31-3-1935, Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương được tổ chức, mặc dù đồng chí Lê Hồng Phong đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản nhưng vẫn được Đại hội tín nhiệm bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Đó không phải do tình thế cán bộ lúc đó, mà chính từ những đóng góp to lớn của đồng chí vào nhiệm vụ khôi phục Đảng và phong trào cách mạng ở Việt Nam, mà Đảng đã trao cho đồng chí Lê Hồng Phong trách nhiệm chính trị lớn lao đó. Việc lãnh đạo khôi phục tổ chức đảng và thống nhất về chiến lược, sách lược, chuẩn bị những tiền đề về tổ chức và chính trị tư tưởng, đưa cách mạng nước ta vượt qua giai đoạn cực kỳ gian khó (1931-1935), chuyển sang giai đoạn phát triển mới (1936-1939) đã thể hiện tài năng và bản lĩnh của Lê Hồng Phong, người chiến sĩ kiên cường của phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế, nhà lãnh đạo xuất sắc của cách mạng Việt Nam.
Đồng chí Lê Hồng Phong hy sinh khi mới ở tuổi 40. Trước lúc đi xa, đồng chí Lê Hồng Phong còn căn dặn: “Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin thắng lợi vẻ vang của cách mạng”. Với gần 20 năm liên tục hoạt động, cống hiến cho Đảng, cho dân tộc Việt Nam, cho phong trào cộng sản quốc tế, hình ảnh, tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí Lê Hồng Phong mãi mãi được khắc ghi trong trái tim, tâm hồn của các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau. Tinh thần và sự nghiệp lớn lao của đồng chí Lê Hồng Phong mãi mãi đồng hành với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vững bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Đại tá, PGS, TS VÕ VĂN HẢI (Phó viện trưởng Viện KHXH và Nhân văn Quân sự Học viện Chính trị, BQP)
Ngày 01 tháng 4 năm 2024, căn cứ Nghị quyết của Hội đồng trường Trường ĐHSP Hà Nội 2, Khoa Tâm lý - Giáo dục được thành
10/04/2024